28/09/2020 1:27  
Theo báo Straits Times của Singapore, một cuộc khảo sát về sức khỏe tâm thần trong đại dịch Covid-19 cho kết quả: làm việc online tại nhà tưởng là nhàn hơn, nhưng ngược lại.

Người trẻ lại ít kiên cường hơn người lớn, nam thua nữ về sức chịu đựng dù nữ làm việc ở nhà phải làm nhiều việc hơn. Một số nhân viên ở nước ta cũng cho biết, làm online phải trao đổi nhiều hơn, làm báo cáo nhiều hơn chứ chẳng hề nhàn. Dạy học online thì khối công việc tăng gấp đôi khi phải kiểm soát lớp học và nói nhiều hơn. 

Chắc là phải còn cải tiến nữa, vì dịch ập đến, nhiều nơi chưa kịp bị chuẩn bị.

Nghiên cứu của Straits Times còn cho biết, người trẻ khó phục hồi sức khỏe tâm thần hơn. Khác với “cảnh giác đối tượng nguy hiểm” trước đây là người già có bệnh nền, tưởng thanh thiếu niên ít mắc SARS-CoV-2, nay mắc virus này không ít người ở độ tuổi 20, 30, 40.

Do không ai biết đại dịch sẽ còn diễn biến như thế nào, thế giới đang tìm thuốc kháng nên ảnh hưởng sức khỏe, công ăn việc làm, học hành khiến ai cũng lo lắng, nhất là người trẻ.

Nước ta đang dốc sức chống đại dịch và cứu nền kinh tế trong khi nhiều người nghiêng về phần chủ quan với con quái vật SARS-CoV-2. Lúc dịch mới bùng phát, nhiều bà mẹ cãi cọ trên mạng xung quanh việc có nên cho con đến trường hay không, người thì bảo học trễ một năm không sao, kiên quyết để con ở nhà, người thì bảo cứ mở trường, chỉ là “cúm mùa” thôi mà. Nay thì không biết Covid-19 nó sẽ diễn ra bao lâu, phải tìm cách thôi, không lẽ ở nhà mãi. 

Khi Chính phủ quyết liệt chống dịch đợt đầu, toàn dân nghiêm túc đồng lòng. Nay đợt tiếp theo bùng lên, cả nướcnhận ra, nơi có dịch cố dập quyết liệt, nơi còn tạm yên thì phải làm việc quyết liệt để cứu nền kinh tế. Nhưng không phải không có tư tưởng chủ quan. Bằng cớ là vẫn có lễ hội Tây Hồ ngày mùng 1 tháng 7 âm lịch đông nghịt người, lại không mấy ai đeo khẩu trang, đến nỗi hôm sau được lệnh đóng cửa, nhưng quán xá vẫn thấy tụ họp đông đúc.

Khi phải truy vết để dập dịch, đưa ra một bảng liệt kê lịch trình của người bị nhiễm SARS-CoV-2 để biết mà tìm F1, F2 mới lòi ra nhiều chuyện, nhiều cuộc liên hoan “công ty chồng”, “công ty vợ” lu bù. Bà con mạng lại đặt câu hỏi: Không biết làm ăn giỏi cỡ nào mà tuần lễ liên hoan tới vài ba cuộc? Lịch trình một số người bệnh cho thấy tốc độ ăn chơi, hội hè phát kinh.

Ngành y tế chạy đua cứu người. Thầy thuốc nơi chưa xảy ra dịch chi viện cho vùng dịch. Hình ảnh chống dịch chỉ thấy toàn... lưng các bác sĩ Việt Nam mặc đồ bảo hộ y tế kín mít. Ai cũng hiểu, mình phải giữ gìn vì sinh mạng của mình không thôi chưa đủ, bởi một người bệnh làm khổ cả nhà, cộng đồng và đất nước.

Vì vậy, lòng can đảm phải thể hiện ở sự biết sợ hãi đúng lúc. Đeo khẩu trang - một việc nhỏ và ích lợi lớn, bởi nó che chắn, bảo vệ con người. Vậy mà có xứ người ta biểu tình chống khẩu trang, bị phạt tiền rồi mới chịu dùng.

Bình thường mới, nay cần thêm hành động mới. Đó là phải dũng cảm tiết lộ thông tin cá nhân cho các ứng dụng công nghệ để giúp theo dõi đường đi của người nhiễm virus Corona chủng mới.

Vì lợi ích của cộng đồng và cá nhân, hãy can đảm nhưng đừng liều, đừng ẩu với con virus SARS-CoV-2.

Một giáo sư người Singapore khi khảo sát sức khỏe tâm thần trong đại dịch đã nói: “Covid-19 đã cung cấp cho thế giới một bài tập tiêm chủng chống stress độc đáo”. 

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Tim   Chính phủ   Covid