02/10/2020 14:31  
Hầu hết đều ủng hộ sự dũng cảm của vị phụ huynh khi một mình phản ứng với khoản thu sai so với quy định của Bộ GD-ĐT, dù bị cả tập thể phụ huynh lớp cô lập và chỉ trích với lời lẽ cay nghiệt; nhiều ý kiến đều cho rằng những khoản thu sai mà phụ huynh này chỉ ra đang tồn tại ở rất nhiều nơi chứ không hề là hiện tượng cá biệt.

Không phải cá biệt ở một trường? 

Bạn Phuocnhon Vo bình luận: “Tôi hoàn toàn đồng ý với cách xử sự của vị phụ huynh này. Trong cuộc sống không phải ai cũng như nhau, điều cốt lõi là ta đã đóng góp gì thật thiết thực cho sự học của con em chúng ta?! Nghèo không là một cái tội!!!”
Bình luận dưới tên Anh lái tàu họ Nhạc viết: "Theo cá nhân tôi vấn đề không phải là nhiều ít và có thể hoàn cảnh mỗi gia đình có điều kiện khác nhau nhưng phải chấp nhận thực tế là mỗi gia đình, mỗi cá nhân có cách sử dụng đồng tiền khác nhau, với những khoản bắt buộc thì không bàn nhưng những khoản thuộc loại tự nguyện thì tùy mỗi phụ huynh, không thể ép buộc và không vì lý do đó mà cô lập hay miệt thị những phụ huynh này cũng như con em họ, phải xem lại cách làm việc của ban đại diện hội phụ huynh này".
Độc giả Hưng Nguyễn Đình cho hay: "Nhiều phụ huynh bức xúc với các khoản thu nhưng không dám nói, không dám phản đối vì sợ con mình bị "âm thầm" trù dập".
Bạn đọc tên Hai cho biết: “Tôi có 2 con đi học, mỗi lần nghe họp phụ huynh đầu năm là phải cắn răng chuẩn bị dằn túi vài triệu để đóng góp với suy nghĩ "ai sao mình vậy". Nào là tiền quỹ trường, lớp, nào là tiền khuyến học, nào là tài liệu tham khảo... Tôi theo dõi hơn 10 năm nay chưa thấy ban đại diện làm được việc gì có ý nghĩa cho việc giáo dục con em chúng ta, ngoài việc đứng ra làm trung gian kêu gọi đóng góp này nọ mà thôi. Đa phần những người được bầu vào ban đại diện là người có điều kiện kinh tế và chỉ làm một việc chính là kêu gọi và đứng ra thu các khoản tự nguyện mà thôi, nếu thu sai quy định bị phanh phui thì trả lại mà không chịu bất cứ trách nhiệm gì. Thật nản".
Độc giả Trần Minh Tuấn cho rằng: "Các khoản không ủng hộ nêu trên trường nào cũng đóng, chẳng qua không ai lên tiếng thôi vì lên tiếng nếu không được ủng hộ sẽ như phụ huynh trên. Tôi tin rằng 100% trường công luôn, chỉ cần khảo sát điều tra sẽ biết liền, quan trọng là ngành Giáo dục có muốn làm hay không thôi".
Bạn Hung Ngo viết: “Đề nghị Bộ GD-ĐT chấn chỉnh lại! Không phải cá biệt một trường đâu! Khoản nào cũng ép đóng và nhân danh quỹ hội phụ huynh. Nói ra là tự nguyện, nhưng không đóng thì bị cô lập. Sợ luôn!”.
Bạn Sương Hana thông tin: "Những khoản bộ GD-ĐT quy định được thu tiền quyên góp của học sinh - phụ huynh thì trường ở địa phương tôi đều thu đủ và thu vét sạch của phụ huynh, đến những cái nhỏ nhặt nhất cũng tận thu luôn, nói chung là thu sạch không chừa một cái gì"…
Độc giả lấy tên 156464 chia sẻ: "Tôi cũng là phụ huynh học sinh của 2 cháu. Cháu lớn nay vào đại học rồi. Còn cháu nhỏ vẫn đang học phổ thông. Sau nhiều năm đi họp phụ huynh, tôi nhận thấy rằng ngoài các khoản thu do nhà trường quy định, thì các khoản quỹ trong lớp toàn do ban đại diện cha mẹ học sinh “phán”. Có nhiều khi tiền quỹ ấy sau 1 năm vẫn dư rồi để sang năm sau. Thu như thế để làm gì?. Nếu có giỏi tính toán thì nên thu ở mức độ vừa phải để đến cuối năm là dùng vừa đủ"…
Bạn đọc Phuoc Huynh Tan viết: “Trong lớp không phải nhà nào cũng có điều kiện, có những gia đình khó khăn thì đó thực sự là những gánh nặng. Đề nghị chỉ thu những khoản mà những phụ huynh nghèo mới có khả năng đóng góp và những khoản thu đó phải thực sự cần thiết. Nếu cần thiết thì bỏ phiếu kín lấy ý kiến về các khoản thu trong lớp, nếu đạt một tỷ lệ nào đó mới được thu, vì thực sự có một số phụ huynh mặc dù không muốn nhưng vẫn phải đồng ý theo ý kiến ban đại diên phụ huynh”.

Có nên tồn tại ban đại diện cha mẹ học sinh?

Vì quá bức xúc, nhiều bạn đọc tiếp tục cho rằng cần xem xét lại việc có cần thiết tồn tại ban đại diện cha mẹ học sinh nữa hay không nếu vẫn tái diễn tình trạng này. Bạn đọc Vũ Trọng Nghĩa đề nghị: "Bộ GD-ĐT nên nghiêm túc xem xét việc giải tán hội phụ huynh và các biến tướng của nó. Bộ cũng nên học hỏi xem có quốc gia nào trên thế giới có cái hội kiểu như thế này ở trong trường học không? Xin Bộ trả lại môi trường trong lành cho các cháu yên tâm học tập".
Độc giả có tên Tuyen Giang nêu giải pháp: "Theo tôi không nên lập hội cha mẹ học sinh mà nên để nhà trường ra danh sách đóng góp bao nhiêu, gồm các khoản nào thì mới gọi là minh bạch. Thông tin bằng văn bản đàng hoàn thì không ai nói gì vì có bằng chứng xác thực. Không nên để hội cha mẹ học sinh đưa ra là phải đóng bao nhiêu vì đó là suy nghĩ riêng của họ. Bản thân tôi năm nào đi họp lớp cho con thì tôi thấy mục đích chính của buổi họp cũng là đóng tiền do hội cha mẹ học sinh khởi xướng, nó không còn là môi trường giáo dục nữa... Mong rằng các trường nên tự chủ vấn đề thu chi để có mức thu hợp lý đối với các gia đình khó khăn cho con em họ đến trường mà không bị phân biệt, mặc cảm".
Bạn Phuong Vuong chia sẻ: "Thực ra ban đại diện là người được nhà trường lựa chọn từ trước. Họ thường là những người có điều kiện về kinh tế cũng như có gia thế. Mặc dù là nói không ép buộc, nhưng mà khi đó ai mà đóng góp ít thì ban đại diện (là cô trưởng ban) cứ ra rả kêu gọi đóng góp thêm".
Bạn Sang Nguyen Minh viết: “Ban đại diện cha mẹ học sinh tôi thấy không cần thiết, tôi có con đi học nhưng chưa bao giờ biết ban đại diện học sinh gồm những ai cũng như cách liên lạc. Nếu có thành lập ban này thì khi sinh hoạt đầu năm phải để cho tất cả phụ huynh xét năng lực bản thân tự ứng cử vào như vậy mới đúng! Nhưng ở trường tôi chưa từng nhắc tới ban này thành lập như thế nào?”.
Tuy nhiên, cũng không ít độc giả bình luận cho biết, bản thân họ đã hoặc đang làm trong ban đại diện phụ huynh và thực tế rất vất vả, mệt mỏi khi phải đứng ra lo đủ thứ việc của lớp các con vì nếu không như vậy thì các con sẽ rất ít hoạt động khi ở trường. Bạn đọc có địa chỉ email td***@gmail.com chia sẻ: Tôi từng làm hội (ban đại diện phụ huynh) lớp và trường 10 năm các vị ạ, mỗi năm sau khai giảng là họp phụ huynh là ngày khó khăn nhất của tôi, thật sự 1001 kiểu. Thôi thì nhắm mắt qua cầu đi các vị phụ huynh".
Không ít ý kiến cũng cho rằng cần phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở sở giáo dục để xảy ra lạm thu, dù chỉ là do ban phụ huynh các lớp. Bạn đọc Diep Tran Trung phân tích: "Ban liên lạc phụ huynh đề ra là để phối hợp với nhà trường để giáo dục các cháu chứ không phải là đại diện để thu tiền. Cần kiểm tra làm rõ, kỷ luật nghiêm các hiệu trưởng bật đèn xanh cho hội phụ huynh thu tiền không đúng quy định".
Tương tự, độc giả bình luận dưới tên Sống Để Yêu Thương, đề nghị: “Trường nào lạm thu cứ trảm ông (bà) hiệu trưởng, chắc chắn sẽ hết nạn mùa khai trường thành “mùa thu".
Độc giả bình luận dưới tên Mao Xuan Khi, cho rằng khi chưa sửa được luật và thông tư về an đại diện phụ huynh trong các lớp học phổ thông, để thống nhất góp quỹ lớp cho ban phụ huynh, thiết nghĩ hiệu trưởng các trường (người đứng đầu) nên có quy định số tiền mỗi phụ huynh cần đóng cho năm học đó. Chúng ta đang tinh gọn tổ chức trung gian, cần nghiên cứu không thành lập ban phụ huynh học sinh ở các lớp học trường phổ thông.

Đề nghị thanh tra quỹ phụ huynh  

Bạn đọc Nguyen Jenny đề xuất cách làm: "Đã nói là tự nguyện, thì không được "ra giá". Những khoản đóng bắt buộc vì hoạt động chính quy của lớp thì đóng tiền ghi danh sách. Tiền đóng thêm khác thì phát cho mỗi phụ huynh một phong bì bỏ vào thùng khe có khóa có niêm, ai muốn bỏ bao nhiêu thì tùy. Sau khi kiểm đếm công khai thì ghi sổ. Ngoài ra, phụ huynh nào muốn ủng hộ thêm đưa tiền thêm thì nhận được thư cảm ơn. Không được bắt ép, chế giễu những phụ huynh khác... Cái cách cô lập kiểu “xã hội đen” này, phải tra ra người khởi xướng và nhắc nhở”.
Độc giả Hai khanh Nguyen nêu quan điểm: "Theo tôi những khoản thu tự nguyện nên làm theo hình thức là phát cho mỗi phụ huynh một bì thư, phụ huynh tự bỏ số tiền muốn nộp vào đó và tất nhiên không ghi tên phụ huynh. Tôi cam đoan với tất cả mọi người rằng đây là hình thức đúng tinh thần tự nguyện vì chẳng ai biết ai nộp bao nhiêu và sẽ không có chuyện ganh tỵ ít hay nhiều nửa".
Bạn đọc ch***@gmail.com đề nghị thanh tra trên toàn quốc, xem được mấy trường ở khu vực đô thị không đóng quỹ hay đóng quỹ đúng quy định. Nên chấm dứt việc ban đại diện cha mẹ không thu tiền kiểu vận động mà không đóng thì không được như thế này cho đỡ tốn kém thêm cho phụ huynh khi vào đầu năm học.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Giáo dục   cuộc sống   giáo dục   đô thị